JPMorgan Chase đã công bố một báo cáo vào ngày 22 tháng 11, đánh giá Bộ Hiệu quả Chính phủ (D.O.G.E) – một cơ quan mới được thành lập dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, với sự lãnh đạo của Elon Musk và Vivek Ramaswamy. Bộ này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tinh giản hoạt động liên bang và cắt giảm chi tiêu lãng phí.
“Về hiệu quả hoạt động của chính phủ, Tổng thống đắc cử Trump được kỳ vọng sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp. Một phần của kế hoạch này là việc thành lập D.O.G.E,” JPMorgan nhận định, đồng thời bổ sung:
“Chúng tôi cho rằng D.O.G.E, dưới sự lãnh đạo của Elon Musk và mục tiêu cắt giảm chi tiêu lãng phí của chính phủ, sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ này.”
Trong một tuyên bố gần đây, Trump nhấn mạnh rằng Musk và Ramaswamy sẽ “dọn đường” cho chính quyền mới để “tháo dỡ bộ máy quan liêu, giảm thiểu các quy định không cần thiết, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang.” Ông khẳng định:
“Điều quan trọng là chúng tôi sẽ loại bỏ sự lãng phí và gian lận khổng lồ trong khoản chi tiêu hàng năm 6,5 nghìn tỷ USD của chính phủ.”
Elon Musk cũng bày tỏ niềm tin rằng D.O.G.E có thể cắt giảm ít nhất 2 nghìn tỷ USD trong chi tiêu liên bang, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải khắc phục tình trạng “chi tiêu vô tội vạ” của chính phủ để ngăn chặn nguy cơ phá sản quốc gia.
“Nước Mỹ đang tiến nhanh đến bờ vực phá sản,” Musk cảnh báo, và kêu gọi hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng “phá sản trên thực tế” của quốc gia.
Tuy nhiên, JPMorgan cũng chỉ ra những trở ngại tiềm tàng mà D.O.G.E có thể gặp phải:
“Điểm mấu chốt là Quốc hội mới chính là cơ quan kiểm soát chi tiêu của chính phủ, trong khi D.O.G.E lại hoạt động ngoài quyền hạn của Quốc hội. Bộ này có thể đưa ra nhiều đề xuất, nhưng việc thay đổi luật pháp vẫn phải dựa vào đa số 60 phiếu tại Thượng viện.”
“Một câu hỏi lớn đối với các nhà đầu tư năm 2025 là chương trình nghị sự Trump 2.0 sẽ ưu tiên những hạng mục nào và loại bỏ những gì”.
D.O.G.E có thể làm sụp đổ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ
Trong khi Elon Musk ca ngợi việc cắt giảm chi phí và giảm bớt các quy định hành chính là mục tiêu tối thượng, những tác động tiềm tàng từ D.O.G.E lại khiến Phố Wall lo lắng.
Các nhà thầu liên bang, các tập đoàn dược phẩm khổng lồ, và thậm chí cả những gã khổng lồ quốc phòng như Boeing và Lockheed Martin đang chuẩn bị đối mặt với “cơn bão” sắp tới. Các nhà phân tích từ TD Cowen đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo. Roman Schweizer, trong một bản ghi chú gửi khách hàng vào thứ Sáu, đã gọi D.O.G.E là “một yếu tố rủi ro lớn” đối với các công ty phụ thuộc vào hợp đồng chính phủ.
“Cắt giảm chi tiêu là điều có thể xảy ra, và sẽ có sự bất định trong nhiều tháng tới,” ông nhận xét. Đối với một thị trường vốn đã lo ngại về định giá cao ngất ngưởng, D.O.G.E có thể trở thành “quả bóng phá hủy” mà không ai mong đợi.
Trong khi Musk và Ramaswamy có kế hoạch cắt giảm chi tiêu tùy ý, giảm tài trợ cho các tổ chức như Corporation for Public Broadcasting (Tổng công ty phát thanh truyền hình công cộng), và tái cấu trúc chính sách nhân sự liên bang nhưng các nhà phân tích của TD Cowen vẫn tỏ ra nghi ngờ về mức độ hiệu quả mà D.O.G.E có thể đạt được. Họ ước tính sáng kiến này có thể tiết kiệm từ 50 đến 100 tỷ USD mỗi năm nhưng nhấn mạnh rằng con số này chỉ là “muối bỏ bể” so với thâm hụt liên bang, dự kiến sẽ đạt 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Hơn nữa, bất kỳ sự cắt giảm lớn nào cũng cần sự phê duyệt từ Quốc hội, khiến D.O.G.E không chỉ bị ràng buộc mà gần như bị “trói tay.”
Các nhà thầu sẵn sàng hứng chịu tác động
Nếu D.O.G.E được thực thi, nhiều tên tuổi lớn trong giới kinh doanh có thể phải đối mặt với tổn thất nặng nề. Các nhà thầu liên bang – những công ty sống dựa vào ngân sách chính phủ – đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.
Theo TD Cowen, các tập đoàn quốc phòng như Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Dynamics, Boeing, và RTX nằm trong số các nhà thầu có nguy cơ tổn thất lớn nhất. Bộ Quốc phòng hiện có ngân sách 877 tỷ USD, và bất kỳ sự cắt giảm nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các công ty này.
Không chỉ lĩnh vực quốc phòng nằm trong tầm ngắm. Leidos Holdings, công ty đảm nhận hợp đồng cho các cơ quan như Homeland Security, Justice, và Transportation, cũng có thể chịu áp lực.
Các công ty dược phẩm như Merck, Pfizer, và Humana cũng không ngoại lệ, vì họ thu hàng tỷ USD thông qua các hợp đồng từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (Health and Human Services).
Mối lo ngại là có thật – cổ phiếu của một số công ty này đã bị ảnh hưởng, một phần do định giá cao nhưng cũng do nhà đầu tư hoang mang trước mối đe dọa từ D.O.G.E.
Dẫu vậy, các nhà phân tích từ TD Cowen cũng nhấn mạnh rằng tác động tiềm tàng có thể không nghiêm trọng như vẻ ngoài. Quốc hội vẫn là cơ quan giữ quyền kiểm soát cuối cùng đối với các quy định và ngân sách.
Crypto và cơn sốt Dogecoin
Tất nhiên, không thể không nhắc đến yếu tố “điên rồ” của thị trường crypto mỗi khi Musk xuất hiện. Kể từ khi Trump công bố D.O.G.E, Dogecoin (đồng tiền điện tử mà Musk ủng hộ) đã tăng hơn 150%. Nhà đầu tư coi sự tham gia của Elon là tín hiệu tích cực cho Dogecoin, dẫn đến một làn sóng đầu cơ cuồng nhiệt.
Biểu đồ giá DOGE 1 ngày | Nguồn: TradingView
Các trader nhỏ lẻ đổ xô tham gia, đẩy thị trường vào một cơn sốt đầu cơ mà nhiều người so sánh giống như một sòng bạc hơn là thị trường thực sự. Thị trường crypto nói chung thường phản ứng mạnh mẽ trước mọi động thái của Elon, và đã bước vào chu kỳ tăng giá kể từ khi Trump giành chiến thắng.
Tham gia Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn
Twitter (X): https://twitter.com/tapchibtc_io
Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
Ông Giáo
Tạp Chí Bitcoin